Truy cập nội dung luôn

 

Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn!

Email  RSS  Sơ đồ cổng

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1

ĐĂNG NHẬP QUẢN TRỊ ĐĂNG NHẬP QUẢN TRỊ

THỐNG KÊ THỐNG KÊ

  Đang truy cập : 2
  Hôm nay: 582
  Tổng lượt truy cập: 1614261

LỜI BAN BIÊN TẬP LỜI BAN BIÊN TẬP

Nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng ở Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh

Tăng cường công tác quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong công tác củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác chính trị tư tưởng, nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.

xem thêm >>>

CHI TIẾT TIN

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
06/06/2022

1. Thân thế, cuộc đời Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu, tên thường gọi là Đồ Chiểu, tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ (sau khi bị mù lấy hiệu là Hối Trai); sinh ngày 01 tháng 7 năm 1822 (tức ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ), tại làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Xuất thân trong một gia đình nhà nho, thân sinh là Nguyễn Đình Huy, người làng Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Mẹ là Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định.

Năm Quý Mão (1843), tại trường thi Hương Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu đỗ Tú tài và được một nhà nho hứa gả con gái cho ông. Năm 1846, Nguyễn Đình Chiểu ra Huế học để chờ khoa thi Kỷ Dậu (1849). Nhưng khi nghe tin mẹ mất (1848) tại Gia Định, là con trưởng trong gia đình, không thể ở lại Huế chờ khoa thi, đầu năm 1849 Nguyễn Đình Chiểu trở về quê chịu tang mẹ. Trên đường trở về một phần vì thương khóc mẹ, phần vì vất vả do thời tiết thất thường, Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng khi đến Quảng Nam. Trong thời gian chữa bệnh tại nhà một thầy thuốc dòng dõi ngự y, Nguyễn Đình Chiểu đã học được nghề thuốc; đáng tiếc dù bệnh tình đã khỏi nhưng để lại di chứng khiến Nguyễn Đình Chiểu mù cả hai mắt khi tuổi đời còn rất trẻ.

Bị tật nguyền, đường công danh dang dở, hôn thê bội ước, nhưng Nguyễn Đình Chiểu không chịu khuất phục trước số phận. Sau khi mãn tang mẹ, với vốn kiến thức sẵn có từ y học đến Nho giáo([1]), Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học ở Bình Vi (Gia Định), tiếp tục nghiên cứu nghề làm thuốc, bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu bắt đầu sáng tác thơ văn và tiếng thơ của ông vang khắp Lục tỉnh với truyện Lục Vân Tiên nổi tiếng - Một tác phẩm mang tính chất tự truyện của tác giả. Rất mến phục và thông cảm sâu sắc với cảnh ngộ của thầy, một người học trò của Nguyễn Đình Chiểu là Lê Tăng Quýnh làng Thanh Ba, Cần Giuộc đã xin với gia đình gả em gái thứ năm là Lê Thị Điền cho người thầy của mình.

Năm 1859, sau khi Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ tại làng Thanh Ba (Cần Giuộc). Tại đây, Nguyễn Đình Chiểu gắn bó với nghĩa quân yêu nước, ông thường xuyên thư từ liên lạc với những người lãnh đạo nghĩa quân. Thời gian ở Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã hoàn thành tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu. Và cũng trong thời gian này, ông đã viết bài văn tế nổi tiếng “Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn (tức Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Ngày 14 tháng 12 năm 1861, quân Pháp đánh chiếm Cần Giuộc, Tân An, Gò Công.

Năm 1862, triều đình nhà Nguyễn nhu nhược ký hiệp ước nhượng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ và đảo Côn Lôn cho Pháp. Là một trong những người khởi xướng phong trào “tị địa” bất hợp tác và không sống trong vùng đất Pháp chiếm, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia quyến rời Cần Giuộc về Ba Tri, Bến Tre và sống ở đây cho đến cuối đời. Trong thời gian sống ở Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu cùng với Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt,… sáng tác thơ văn hiệu triệu anh hùng nghĩa sĩ đứng lên cứu nước và vạch mặt sự xấu xa của bọn nho sĩ đầu hàng giặc như Tôn Thọ Tường.

Biết Nguyễn Đình Chiểu có uy tín lớn trong Nhân dân nên Chánh tham biện Bến Tre Michel Ponchon (Misen Pông-sông) tìm mọi cách mua chuộc ông. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu một mực cự tuyệt và khi hắn nêu ý định trả đất cho ông, ông thẳng thừng trả lời: “Đất vua không ai trả thì đất riêng của tôi có sá gì”. Câu nói ấy là bằng chứng xác thực nhất về phẩm chất yêu nước, thanh cao, không màng danh lợi của nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Chiểu.

Năm 1886, vợ ông là bà Lê Thị Điền mất. Nỗi đau thêm chồng chất, bệnh tình Nguyễn Đình Chiểu ngày càng trầm trọng. Trong những ngày cuối đời, ông sống trong cảnh nghèo thanh bạch với sự yêu thương đùm bọc của Nhân dân. Ngày 03 tháng 7 năm 1888 (tức ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý) Nguyễn Đình Chiểu qua đời trong một căn nhà nhỏ tại làng An Bình Đông (gần chợ Ba Tri, thuộc Trị trấn Ba Tri ngày nay), thọ 66 tuổi. Nhân dân, bạn bè, học trò và con cháu đưa tang ông rất đông, khăn tang trắng cả cánh đồng An Bình Đông (nay là An Đức) nơi ông yên nghỉ cuối cùng.

Nguyễn Đình Chiểu đã sống một cuộc đời theo đạo nghĩa, trong biến loạn vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy giáo, thầy thuốc mẫu mực, ông còn là nhà thơ yêu nước điển hình, có quan niệm văn chương nhất quán, dùng văn chương biểu hiện đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Mỗi vần thơ đều ngụ ý khen chê công bằng, rạch ròi và bộc lộ một tấm lòng thương dân, yêu nước.

2. Sự nghiệp

2.1. Nhà thơ lớn, nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam

a) Sự nghiệp sáng tác

Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho hậu thế khối lượng thơ văn khá lớn và rất quý báu với nhiều tác phẩm văn chương bất hủ, chủ yếu bằng chữ Nôm. Trước khi thực dân Pháp xâm lược, sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu thiên về thể loại truyện thơ truyền thống, xoay quanh đề tài đạo đức xã hội, nổi tiếng nhất là truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu. Sau khi thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Đình Chiểu viết một loạt tác phẩm nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu hy sinh của Nhân dân và biểu dương những tấm gương anh hùng, liệt sĩ: Chạy giặc (1859), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861), Văn Tế Trương Định (1864), Mười hai bài thơ điếu Phan Tòng (Phan Ngọc Tòng, Phan Công Tòng) (1867), Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, ngoài ra còn Thảo thử hịch (Hịch đánh chuột), Thư gửi cho em và một số bài thơ Đường luật khác như Ngựa Tiêu sương, Từ biệt cố nhân, Tự thuật… Từ sau khi Nam kỳ hoàn toàn rơi vào tay giặc, Nguyễn Đình Chiểu còn viết một truyện thơ Nôm dài dưới hình thức hỏi đáp về y học là Ngư Tiều y thuật vấn đáp. 

Nguyễn Đình Chiểu còn là một nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Triết lý văn hóa của ông là triết lý nhân sinh của một nhà văn hóa lớn, thể hiện sinh động qua các nhân vật trong các truyện thơ như: Lục Vân Tiên, Dương từ - Hà Mậu,… Tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua tư tưởng Tống Nho chính thống, triết lý Nho giáo của ông đang trên quá trình Việt hóa - bình dân hóa một cách sâu sắc([2]), như trung, hiếu, tiết, nghĩa theo triết lý sống của người Nam Bộ, người Việt Nam: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”,… 

Tầm vóc lớn lao của nhà văn hóa lớn hiển hiện trong cuộc đời và sáng tác văn chương, văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu luôn vượt qua số phận nghiệt ngã của cá nhân, số phận đau thương của đất nước, tỏa sáng gần hai trăm năm qua.

b) Tác Phẩm Lục Vân Tiên

  Kiệt tác Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu với 2.082 câu thơ lục bát được sáng tác khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ XIX, khi ông bắt đầu sáng tác văn thơ.

Truyện thơ Lục Vân Tiên được Nguyễn Đình Chiểu tả về số phận chàng Lục Vân Tiên có những điểm tương đồng với Đồ Chiểu: bỏ dở thi cử về quê chịu tang mẹ rồi bị bệnh và mù cả hai mắt. Vân Tiên sau đó còn bị sĩ tử đố kỵ hãm hại, hết đẩy xuống sông lại bị bỏ vào hang sâu trong rừng. Tại rừng sâu, Lục Vân Tiên may mắn được sĩ tử Hớn Minh cứu giúp, được cho thuốc nên mắt sáng lại. Đến khoa thi, Lục Vân Tiên đỗ Trạng nguyên, được nhà vua cử đi dẹp giặc Ô Qua. Trên đường thắng giặc trở về, chàng gặp lại Kiều Nguyệt Nga - người từng được Vân Tiên cứu giúp và nguyện gắn bó suốt đời. Trở về kinh, Vân Tiên tâu hết sự tình với nhà vua, kẻ gian ác bị trừng trị, người nhân nghĩa được đền đáp, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga hạnh phúc, sum vầy.

Tuyện thơ Lục Vân Tiên là một bản trường ca, ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa. Xem trọng tình cha con, tình nghĩa vợ chồng, bè bạn, tình yêu thương, cưu mang đùm bọc những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khổn phò nguy([3]). Thể hiện khát vọng của Nhân dân, hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời thông qua kết thúc có hậu của tác phẩm. Có hậu là thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà. Theo cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, truyện thơ Lục Vân Tiên đã có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân và được lưu truyền dưới hình thức sinh hoạt văn hóa như: kể thơ, nói thơ Vân Tiên, hát Vân Tiên. Cho đến nay, tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị trong nền văn học Việt Nam. Lục Vân Tiên được chuyển thể thành phim, chèo, cải lương,...

Với những giá trị to lớn ấy, trải qua hơn 150 năm, truyện thơ Lục Vân Tiên luôn được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả từ trí thức tới người bình dân, làm lay động trái tim của bao thế hệ người Việt Nam và là cảm hứng sáng tác cho rất nhiều những tác phẩm sau này.

  Kiệt tác Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần tinh hoa văn hóa của nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế([4]). Và Lục Vân Tiên cũng là căn cứ quan trọng để UNESCO khẳng định và thông qua danh sách những danh nhân văn hóa được vinh danh trong năm 2022. Với truyện thơ Lục Vân Tiên và toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu nói chung, ông được các thế hệ tôn vinh là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Lý tưởng thẩm mỹ trong các nhân vật anh hùng đã nêu bật một lối sống có văn hoá và khí phách anh hùng đặc trưng bản sắc Việt Nam. Đó là lối sống trọng đạo lý và công bằng xã hội; trọng con người và căm ghét áp bức bất công. Qua gần 2 thế kỷ, hiếm thấy nhà văn nào mà tác phẩm có tính phổ cập sâu rộng và có sức sống bền lâu trong đời sống văn hóa của Nhân dân như vậy. Sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là minh chứng hùng hồn cho vị trí và tác dụng to lớn của văn học nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người cầm bút trước thời cuộc của đất nước.

2.2. Người thầy của nhiều thế hệ

Sau biến cố của cuộc đời, Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học và bốc thuốc. Thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu được gọi là Đồ Chiểu từ đó. Nguyễn Đình Chiểu ba lần di chuyển nơi ở: quê mẹ huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay là Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh); quê vợ huyện Cần Giuộc, tỉnh Gia Định (nay là huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) và Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Vì thế, trường học của người thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu cũng thay đổi ba lần. Học trò của ông ở xung quanh và đến từ các vùng quê xa. Cũng như các nhà nho thời đó, Nguyễn Đình Chiểu sử dụng nhà mình làm trường học. Theo bà Mai Huỳnh Hoa (1910 - 1987), cháu cố (chắt ngoại) của Nguyễn Đình Chiểu viết năm 1935 trên báo Tân Văn: “Học trò ước có hai trăm người, ngồi ra hai hàng tả hữu nghe giảng. Tiên sinh mắt đã mù, không còn xem sách được, nhưng mỗi bữa hỏi học trò tới đoạn nào, thì tiên sinh giảng đoạn ấy, như ngó thấy sách, vì tiên sinh thuộc lòng các sách”([5]).

Cách dạy của các nhà nho thời đó là truyền khẩu, giảng bài từ các bộ sách Tứ thư, Ngũ kinh, sách kinh điển của Nho giáo dưới thời nhà Nguyễn (1802 - 1945). Nội dung các sách này đã thấm vào Nguyễn Đình Chiểu khi ông được một thầy đồ trong làng giảng dạy ngay từ nhỏ. Đến năm 11 tuổi được cha gửi cho một người bạn là thái phó của triều đình Huế để Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục ăn học. Ngoài ra, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã học vỡ lòng trong sách “Minh tâm bửu giám”([6]). Và sau khi tiếp thu từ người thầy thuộc lò đào tạo Hòa Hưng của Võ Trường Toản([7]) về “dưỡng khí”, “tập nghĩa” nhất là cách giáo dục xuất phát từ tâm tính tốt của người Gia Định “Trung dũng, khí tiết, trọng nghĩa, khinh tài”,… Nguyễn Đình Chiểu dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho học trò đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc,… Nhiều thế hệ môn sinh tiếp thu sự giáo dục của thầy Đồ Chiểu trở thành những người nổi tiếng, đặc biệt trong đó có 02 nhân vật đã có những đóng góp sâu sắc cho sự đổi mới của văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đó là Nguyễn Thị Khuê (tức Sương Nguyệt Anh) (1864 - 1921), nhà thơ, nữ chủ bút (Tổng biên tập) đầu tiên của Việt Nam, báo Nữ Giới Chung (Tiếng chuông nữ giới) tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam, xuất bản ở Sài Gòn năm 1918. Và nhân vật thứ hai là Nguyễn Đình Chiêm (1869 - 1935) hành nghề đông y; ngoài ra, ông còn sáng tác, dịch thơ, là tác giả hai vở tuồng Phong Ba đìnhPhấn Trang lầu. Nhiều người dân vùng Ba Tri, Bến Tre còn nhớ ông nội, ông thân sinh của mình kể lại trước đây từng là học trò của Nguyễn Đình Chiểu.

Ngoài ra, Nguyễn Đình Chiểu còn có hai học trò ưu tú hoạt động tích cực trong phong trào Phật giáo yêu nước là Hòa thượng Lê Khánh Hòa (1877 - 1947), người có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ những năm 1920 - 1945 và Hòa thượng Thích Khánh Thông (1871 - 1953), cũng là người có uy tín lớn trong giới tăng, ni, Phật tử ở Bến Tre những thập niên nửa đầu thế kỷ XX.

Với người mắt sáng, dạy học đã khó nhưng người mắt mù thì càng khó khăn vạn lần hơn, vậy mà bằng tất cả ý chí, bằng tất cả thiện cảm đối với người đi học và quan trọng hơn là bằng tất cả kinh nghiệm qua quá trình tiếp xúc đó đây, Nguyễn Đình Chiểu sớm trở thành một nhà giáo được người đời ngưỡng mộ.

Ngày nay, cả nước đang nỗ lực chấn hưng ngành giáo dục. Nhiều chủ trương, biện pháp, phong trào… được ngành giáo dục triển khai sâu rộng ở các cấp học. Trong đó, vấn đề “dạy chữ kết hợp dạy người” chính là sự kế thừa những tinh hoa giáo dục của các bậc tiền nhân mà Nguyễn Đình Chiểu là một người thầy tiêu biểu với triết lý “văn dĩ tải đạo”([8]), sửa đời, dạy người. Noi gương người thầy - Nguyễn Đình Chiểu, mỗi nhà giáo phải phấn đấu tu dưỡng để thực sự xứng đáng với danh xưng thầy giáo, hãy làm tốt hơn nữa trọng trách “trồng người” để cho ra đời những “sản phẩm” có đủ tài, đức, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, bền vững.

2.3. Người thầy thuốc mẫu mực

Ngoài việc dạy học, sáng tác thơ văn, Nguyễn Đình Chiểu còn nghiên cứu thêm nghề làm thuốc và bốc thuốc chữa bệnh cho Nhân dân. Nếu nói đến những danh y xuyên suốt lịch sử của Việt Nam từ xưa đến nay không chỉ nổi danh bởi tài năng y học, chữa bệnh cứu người mà còn được biết đến như những nhà văn, nhà thơ, chiến sĩ cách mạng, luôn đau đáu vì vận nước, vì Nhân dân thì Nguyễn Đình Chiểu xếp ở vị trí thứ ba chỉ sau Tuệ Tĩnh([9]) và Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác)([10]). Và trong 300 năm trở lại đây Nguyễn Đình Chiểu là người thứ nhất đạt được những thành tựu trên lĩnh vực y thuật và y đạo.

 Nguyễn Đình Chiểu một thầy thuốc giỏi, một lương y thông hiểu sâu sắc y lý phương Đông và y lý Việt Nam, cả về y thuật và y đức mà y đức của Nguyễn Đình Chiểu chính là đạo cứu người lồng trong nghĩa vụ cứu dân, cứu nước. Bằng vốn kiến thức đã có từ trước, và sau khi được danh y truyền dạy nghề làm thuốc trong thời gian điều trị bệnh ở Quảng Nam, Nguyễn Đình Chiểu đã nghiên cứu học thêm, trở thành lương y chữa bệnh cho dân và viết sách thuốc truyền tâm nguyện đến mọi người. Ngư Tiều y thuật vấn đáp khái quát nội dung và nói lên quan điểm y học của tác giả, biện luận trên cơ sở âm dương - những điều thiết yếu nhất về phương pháp và đường hướng trị bệnh. Nói lên một đường hướng y học chân chính, cả về đạo đức và chuyên môn. Nguyễn Đình Chiểu đã nghiên cứu nghề thuốc rồi làm lương y để chữa bệnh cho dân và viết sách thuốc truyền tâm nguyện đến mọi người. Ông đã dốc lòng giới thiệu nghề thuốc của mình và trình bày những cương mục về lí luận Đông y có kèm theo giải thích một số thuật ngữ thiết yếu liên quan đến ngành y. Nhất là vấn đề về y thuật gồm có các phần: Mạch, chế dược, vận khí, thương hàn, sản phụ, nhi khoa... Rồi đến ngũ tạng trong cơ thể con người bao gồm tâm, can, tỳ, phế, thận, là những tạng khí có công năng tàng trữ và gạn lọc, chế tạo ra tinh khí. Một tạng bị bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành chung. Ông cũng chỉ ra những bài thuốc cụ thể: cây cỏ đều có chất độc lành khác nhau, chưa rõ tính chớ nên dùng,… Có những nguyên lý cơ bản của Đông y đã được Nguyễn Đình Chiểu trình bày trên cơ sở âm dương, thủy hỏa, khí huyết. Ông đã trình bày một cách cụ thể về cách chữa bệnh vì bệnh có “hư hư thực thực”, biến đổi nhiều, nhiều chứng, nhiều phương. “Chữa bản” là chữa thẳng vào bệnh. “Nên bổ” nghĩa là lối chữa bệnh chủ yếu về dinh dưỡng, dùng thuốc để phục hồi sức khỏe. “Nên trước nên sau” là bệnh nào gấp hơn thì chữa trước nhưng phải tùy nghi mà dùng. Chỉ cần chẩn trị sai lệch một chút thì sẽ an nguy đến tính mạng. Với 66 tuổi đời, gần 40 năm chữa bệnh cứu người, đối với một thầy thuốc bình thường điều ấy đã là một đóng góp, nhưng với một thầy thuốc mù lòa như Nguyễn Đình Chiểu, càng đáng ghi nhận.

Bên cạnh về chuyên môn, trong quá trình hành nghề đây đó của mình, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã nhận thấy một số người không nắm rõ về y thuật, chỉ am hiểu một vài phương thuốc lăng nhăng cũng tự cho mình là thầy thuốc, làm nghề chữa bệnh. Vì thế, Ngư Tiều y thuật vấn đáp ra đời, ngoài tác dụng động viên lòng yêu nước, chí căm thù Nhân dân đối với quân thù, đều cần nhất là nêu ra những vấn đề nhằm chấn hưng y học cổ truyền, xây dựng một nghề y chân chính. Tác phẩm thể hiện tư tưởng y đức học của Nguyễn Đình Chiểu là toàn diện, cao cả; ông khuyên người thầy thuốc cần trao dồi cả tài năng và đức độ trong cuộc đời hành nghề của mình. Nguyễn Đình Chiểu đề cao tinh thần, trách nhiệm của người thầy thuốc đối với tính mạng bệnh nhân, thương yêu người bệnh: “Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng mau mau trị lành”. Và răn ngừa việc lợi dụng hay lừa dối người bệnh để lấy tiền một cách vô lương tâm: “Vốn không theo thói tham nhăng/ Nhân khi bệnh ngặt đòi ăn của nhiều”. Đặc biệt, Nguyễn Đình Chiểu dốc lòng cứu chữa cho những người nghèo khổ, chu cấp thuốc men, tận tình giúp đỡ họ mà không phân biệt đối xử: “Đứa ăn mày cũng trời sinh/ Bệnh còn cứu đặng thuốc dành cho không”.

Nguyễn Đình Chiểu, không những chữa bệnh về thể xác mà còn chữa bệnh về tinh thần. Tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp đủ thấy biệt tài về y học của Nguyễn Đình Chiểu, cụ đã nói lên các chứng bệnh với bệnh lý một cách sâu sắc, đồng thời cũng hàm chứa một tinh thần yêu nước, thương dân; như lời Giáo sư Lê Trí Viễn từng viết trong đề tựa quyển Ngư tiều y thuật vấn đáp lần xuất bản năm 1982 rằng: “Y thuật ấy là kết tinh nghề thuốc trong hằng trăm bộ sách của mấy mươi thế kỷ. Yêu nước ấy có chiều sâu cá nhân một đời người và chiều sâu lịch sử dân tộc hằng mấy ngàn năm. Nhưng cả hai đều đúc lại thành một thang thuốc hồi sinh, một đạo lý sống, một con đường phù hợp cho những con người yêu nước bình thường trong tình hình quê hương rơi vào tay giặc: giữ vững khí tiết không phục vụ quân thù, làm một công việc vừa có ý nghĩa vừa giúp dân, vừa giúp nước...”.

Tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp đã cho chúng ta học tập ở Nguyễn Đình Chiểu tinh thần yêu nước chân thành, ý chí đấu tranh bất khuất, đạo đức liêm chính, khắc khổ, nhẫn nại, cần cù lao động và kiên trì trong sự nghiệp của mình, với mục đích phục vụ lợi ích lâu dài cho Tổ quốc. Với y thuật và y đạo để vừa cứu người, vừa cứu dân, cứu nước, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là một danh y, danh sư - Người thầy thuốc mẫu mực trong lòng Nhân dân. Học tập tấm gương Nguyễn Đình Chiểu chúng ta tiếp tục phấn đấu để không ngừng phát triển toàn diện, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

3. Tôn vinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Với những cống hiến của Nguyễn Đình Chiểu trên lĩnh vực giáo dục, y đức, đặc biệt là những tác phẩm văn thơ đồ sộ và nhân cách sống của ông được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong, ngoài nước đều có những đánh giá cao về ông. Ông không chỉ có sự nghiệp văn chương mà cả sự nghiệp văn hóa, nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn với một nhân cách văn hóa lớn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù đang trong thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều tổ chức trọng thể kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của ông vào những năm tròn vừa là để tưởng nhớ đến nhà thơ lớn vừa là thông qua hình ảnh của ông, sự nghiệp văn chương của ông để tuyên truyền, giáo dục, khích lệ tinh thần Nhân dân tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ trước đến nay, các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, nhất là truyện Lục Vân Tiên luôn được thực hiện thường xuyên, đặc biệt từ năm 1992 đến nay, tỉnh Bến Tre lấy ngày sinh và ngày mất của Cụ (ngày 01/7 và ngày 03/7) làm ngày truyền thống văn hóa của tỉnh.

Với tài năng, đức độ và những đóng góp của Nguyễn Đình Chiểu, cũng như lòng tôn kính của Nhân dân nhân kỷ niệm 195 năm ngày sinh của ông (1/7/1822 - 1/7/2017), Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu là di tích cấp quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2016).

Tại kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO, diễn ra từ ngày 9 đến 24/11/2021 tại Paris, Pháp), đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022 - 2023.

UNESCO khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: Thơ văn, Thầy giáo, Thầy thuốc.

Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với các ban, bộ, ngành, đơn vị liên quan triển khai tổ chức các hoạt động, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu vào đầu tháng 7/2022.

4. Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu

Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cho khởi công xây dựng từ năm 2000 đến 2002. Bao gồm các hạng mục chính: Cổng tam quan, nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ và khu mộ trong khuôn viên có diện tích hơn 1,5ha.

- Cổng tam quan khu lăng mộ mang phong cách kiến trúc truyền thống của các đình chùa Việt Nam với hai mái chồng, hình thuyền, lợp ngói âm dương màu đỏ gạch giả cổ, trên nóc và những bao lam, xiên, xà có đắp hoa văn, phù điêu ước lệ với nét dựng chân phương. Cột trụ tam quan to, vững chãi, sơn màu đỏ son.

- Nhà bia được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, cao 12m có hai tầng mái. Mặt ngoài đắp nổi hoa văn hoa lá cách điệu, mặt trong đắp nổi tứ linh. Đỉnh mái đắp nổi biểu tượng bút lông. Chính giữa là tấm bia bằng đá nguyên khối, có kích thước 2,65m x 2,7m x 1,8m. Mặt trước khắc bài văn bia ca ngợi công đức của Nguyễn Đình Chiểu, mặt sau khắc tóm tắt tiểu sử của ông.

- Đền thờ

+ Đền thờ cũ: Được xây dựng năm 1972, diện tích 84m2, gồm hai tầng mái, lợp ngói âm dương màu nâu, tường gạch, nền lát gạch bông theo kiến trúc truyền thống. Trên nóc trang trí hoa văn rồng - mây cách điệu. Chính giữa có bàn thờ bằng bê tông dán gạch men. Hai cây cột cái đắp nổi câu thơ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” theo kiểu thư pháp được sơn màu vàng trên nền đỏ. Nội thất trưng bày một số hình ảnh, tư liệu về các vị thủ lĩnh và phong trào kháng Pháp của nghĩa quân Nam kỳ cuối thế kỷ XIX.

+ Đền thờ mới: Được xây dựng vào năm 2000 - 2002, có chiều cao 21m, dựng bằng bê tông cốt thép theo hình tròn, mái đổ bê tông dán ngói âm dương và trang trí trên tường là hoa văn truyền thống. Đền thờ gồm hai tầng với ba tầng mái tượng trưng cho 3 nghề của ông: nghề giáo, nghề thuốc và thơ văn. Tầng dưới trưng bày một số hình ảnh Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số đoàn khách nước ngoài, Nhân dân trong nước đến thăm viếng. Tầng trên đặt tượng Nguyễn Đình Chiểu bằng đồng cao 1,6m, nặng 1,2 tấn. Trên bốn cột ở tứ trụ có 4 liễn áp cột bằng gỗ chạm trổ hoa văn tinh xảo, trong đó có hai câu thơ của ông trong tác phẩm “Dương Từ - Hà Mậu”: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Và câu đối của ông Nguyễn Văn Châu, một người con của Bến Tre viết ca ngợi công đức Nguyễn Đình Chiểu: Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt/ Văn chương tỏ rạng ánh sao khuê.

Hai bên tượng Nguyễn Đình Chiểu là hai mảng phù điêu. Phù điêu bên trái miêu tả cảnh ông đọc bài Lục tỉnh sỹ dân trận vong văn tại Chợ Đập (Ba Tri) khoảng năm 1884. Phù điêu bên phải miêu tả trận đánh đầu tiên của hương giáo làng Phan Ngọc Tòng lãnh đạo nghĩa quân với vũ khí thô sơ đánh Pháp ở Giồng Gạch (An Hiệp) khi chúng hành quân lấn chiếm vùng đất Ba Tri vào rạng sáng 16 tháng 11 năm 1868.

- Khu mộ được tôn tạo năm 1958, gồm mộ cụ Đồ Chiểu, mộ cụ bà. Và hài cốt con gái Nguyễn Thị Khuê (Sương Nguyệt Anh) - nữ sĩ, chủ bút báo Nữ Giới Chung - tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam cũng được cải táng về đây năm 1959. Mộ Cụ Nguyễn Đình Chiểu trên bia có khắc chữ Nhật (日), mộ cụ bà trên bia có khắc chữ Nguyệt (月).

Hằng năm, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bến Tre đều tổ chức Lễ hội truyền thống văn hóa vào ngày 01 đến ngày 03 tháng 7 (ngày sinh và ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu); với nhiều chương trình phong phú như: Lễ dâng hương, đọc văn tế, nói thơ Vân Tiên, thi hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, trích đoạn cải lương Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, thi mâm xôi ngày hội, mâm cơm ngày giỗ, kéo co, nhảy bao bố, đập niêu,... Lễ hội là dịp để ôn lại truyền thống yêu nước của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo, học tập về sự nghiệp, những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của nhà giáo, người thầy thuốc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là dịp để Nhân dân vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân, đồng thời, góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa của địa phương.

5. Ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu đối với Nhân dân cả nước, Nam bộ nói chung và Bến Tre nói riêng

Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương, nhân cách Nguyễn Đình Chiểu là ánh hào quang tỏa sáng đến các thế hệ mai sau, như chính lời thơ ông đã viết: Sự đời thà khuất đôi tròng thịt/ Lòng đạo xin tròn một tấm gương. Dù trải qua những biến cố cuộc đời, nhưng trước sau cho đến cuối đời, Nguyễn Đình Chiểu vẫn thanh bạch, trung kiên, dũng cảm đương đầu với kẻ thù, sống hết mình vì dân, vì nước, làm việc không ngừng nghỉ, dạy dỗ học trò, trị bệnh giúp dân, sáng tác thơ văn làm vũ khí đánh giặc cứu nước,… Đáng khâm phục là dù mang nhiều thiên chức nhưng lĩnh vực nào Cụ cũng đạt đến tuyệt mỹ uyên thâm. Di sản của Nguyễn Đình Chiểu để lại cho đời sau không chỉ là những tác phẩm văn học lớn mà còn là tấm gương về việc rèn luyện mình để trở thành một nhân cách lớn - nhân cách của một con người chân chính.

Hơn một trăm năm mươi năm qua, các tác phẩm do Nguyễn Đình Chiểu sáng tác luôn là đề tài hấp dẫn cho giới văn nghệ sĩ sáng tác, đồng thời còn là truyền thống sản sinh ra bao thế hệ văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà thơ, thầy giáo, thầy thuốc quê Bến Tre đã có những đóng góp cho đất nước, quê hương mà Nhân dân trong nước và quốc tế đều biết đến như: Giáo sư Ca Văn Thỉnh (quyền Bộ Trưởng Bộ Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCNVN); Bác sĩ, nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp (nguyên Hiệu trưởng Trường Đào tạo Cán bộ Y tế Trung Cao cấp miền Nam); Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng lao động, Bác sĩ Đoàn Thúy Ba (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế); Nhà thơ, Chiến sĩ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân),…

Nguyễn Đình Chiểu sống mãi với lịch sử, với Nhân dân, bởi lẽ cả cuộc đời ông, tâm hồn và trí tuệ, lý tưởng và tài năng, văn chương, đạo đức và lòng căm thù giặc sâu sắc tất thảy đều hiến dâng cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Ông dùng ngồi bút của mình làm vũ khí đánh giặc; người đọc, người nghe tìm thấy trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu hơi thở của cuộc sống, những đòi hỏi cấp bách cứu nước, cứu dân, những tâm tư, ước vọng những hành động về lòng yêu nước và đạo làm người. Từ khi Đảng ta ra đời, giá trị tinh thần đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu mới được đánh giá một cách đúng mức. Sự nghiệp văn thơ của ông được Đảng ta trân trọng xem như một viên ngọc quý trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam([11]). Ở Bến Tre không ít những nhà giáo, nhà nho, người thầy thuốc gắn bó với Nhân dân theo phong cách của cụ sớm được giác ngộ và gia nhập tổ chức tiền thân “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” trong khắp vùng Tân Xuân, Mỹ Nhơn, An Đức, Châu Bình (Ba Tri) và sau đó đã thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri.

Trong những năm kháng chiến chống ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Bến Tre kiên cường chiến đấu anh dũng, đỉnh cao là phong trào “Đồng khởi” đã đi vào lịch sử truyền thống cách mạng Việt Nam, được Nhân dân cả nước và một số nước trên thế giới biết đến. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, phát huy tinh thần yêu nước, Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre bước vào công cuộc tái thiết quê hương, ổn định mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng. Hệ thống trường học, bệnh viện, trạm xá được xây dựng khang trang, chuẩn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, dạy và học, góp phần tích cực cho việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đối với giáo dục, chú trọng đến giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, khơi dậy ý thức khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; nâng cao thể lực tầm vóc con người Bến Tre, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giáo dục nâng cao ý thức thẩm mỹ hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ. Tăng cường giáo dục truyền thống, tôn vinh, tuyên truyền gương điển hình; phê phán, đấu tranh, lên án thói hư, tật xấu, cái ác trong xã hội ảnh hưởng đến đời sống văn hóa và nhân cách của con người; tiếp tục lan tỏa giá trị “Công dân Đồng Khởi mới” nhất là những tấm gương “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu” đến mọi người dân Bến Tre.

Lĩnh vực y tế, tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng khám, điều trị các tuyến, nhất là y tế cơ sở; coi trọng công tác đào tạo chuyên môn, nâng cao y đức cho đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ quản lý; phát triển ngành Đông - Nam dược chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe cho Nhân dân.

Nguyễn Đình Chiểu có ảnh hưởng rất lớn đối với vùng đất Bến Tre và xa hơn nữa. Chính đạo đức, y đức, nhân cách, hồn thơ của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần làm nên một thần thái của người Bến Tre - yêu nước, hiếu học, tình nghĩa thủy chung hết mình, tranh đấu vì chính nghĩa đến cùng, dẫu cho đầu rơi, máu đổ vẫn đau đáu một lời thề trung hiếu với nước non. Ngày nay, nói Bến Tre là nói quê hương Đồ Chiểu, chính là nói đến truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng mà Nguyễn Đình Chiểu là một con người tiêu biểu, có công bảo vệ và truyền lại cho các thế hệ sau những gì tốt đẹp nhất của truyền thống văn hóa ấy. Thơ văn của Cụ đã đóng góp rất lớn trong việc nâng giá trị văn hóa, nhân văn, nhân đạo của người Bến Tre lên tầm cao mới. Chính điều đó, đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách, phẩm chất, đạo đức, lối sống và bản lĩnh của người Bến Tre qua từng thế hệ, là hành trang vô giá để các thế hệ sau vững bước tiến lên. Tự hào về một nhân cách, một tài năng, một con người, lớp lớp người Bến Tre đã và đang tiếp nối noi theo tấm gương hiếu nghĩa, nối theo đạo lý ở đời, dốc lòng đem hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.  

Cùng với khát vọng đánh đuổi ngoại xâm, để Nhân dân được sống trong hòa bình của Nguyễn Đình Chiểu, thì ngày nay khát vọng của Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre là phấn đấu đến 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của đồng bằng Sông Cửu Long và của cả nước vào 2030; đến năm 2045, Bến Tre trở thành tỉnh phát triển thịnh vượng của khu vực và của cả nước theo các tiêu chí: Đáng sống, thu nhập tốt, môi trường xanh -sạch - đẹp, thân thiện, hiện đại để Bến Tre ngày càng rạng rỡ, xứng danh quê hương Đồ Chiểu, xứ dừa - quê hương Đồng Khởi anh hùng.

                                                     BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

 


([1]) Về mặt kiến thức, ông đạt tới trình độ cao nhất mà người trí thức có thể đạt được ở thời đại ông và trong hoàn cảnh xã hội của ông. Trong thời kỳ ấy, ông là một người trí thức có tính chất toàn diện, thông bác về mọi mặt nho, y, lý, số.

([2]) Chẳng hạn như: Chữ trung, đức đặt lên hàng đầu của nhà Nho được Việt hóa thành khái niệm “ngay” (ngay ngắn, ngay thẳng): “Nghĩa tình nặng cả hai bên/ Nếu ngay cùng chúa lại quên ơn chồng (Lục Vân Tiên).

([3]) Vân Tiên đánh cướp, Hớn Minh bẻ giò Đặng Sinh.

([4]) Với 3 (ba) thứ tiếng và 9 bản dịch, Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra ngoại ngữ nhiều thứ ba sau Truyện Kiều và Nhật ký trong tù trong khu vực nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật.

([5]) Tư liệu này do Mai Huỳnh Hoa được nghe từ bà Nguyễn Thị Xuân Khuê, tức Năm Hạnh, con gái Nguyễn Đình Chiểu.

([6]) Gương báu soi sáng cõi lòng.

([7]) Người thầy của Nguyễn Đình Chiểu vốn là học trò của Nghè Chiêu, mà Nghè Chiêu lại là học trò của cụ Võ Trường Toản.

([8]) Dùng văn chương để truyền tải đạo lý làm người.

([9]) Ông Được biết đến như là người đã đặt nền móng cho nền y học cổ truyền Việt Nam với tư tưởng: “Nam dược trị Nam nhân” (thuốc Nam chữa bệnh cho người nước Nam). Ông được xem là bậc thầy của thầy thuốc Việt, ông tổ. của ngành y nước nhà.

([10]) Ông vừa chữa bệnh, vừa dạy học, vừa biên soạn sách y khoa. Quyển sách “Y tông tâm lĩnh” được ông biên soạn trong từ những năm 1760 - 1770 và đến khoảng 20 năm sau trước một năm ông mất (1790) ông còn bổ sung thêm vào một số phần khác. Toàn bộ sách Hải Thượng để lại mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng như một tài sản vô giá của nền y học cổ truyền Việt Nam gọi là “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh”.

([11]) Nguyễn Đình Chiểu là một vì sao có ánh sáng khác thường, càng nhìn thì càng thấy sáng.

Tương phản
Đánh giá bài viết(0/5)

THƯ MỜI - THÔNG BÁO THƯ MỜI - THÔNG BÁO

LỊCH CÔNG TÁC LỊCH CÔNG TÁC

VĂN BẢN MỚI VĂN BẢN MỚI

 Kế hoạch triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
 Tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (02/4/1904 - 02/4/2024)
 Kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024

LIÊN KẾT LIÊN KẾT